Bún Mạch Tràng là nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký bảo hộ cho sản phẩm bún ở thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, T.P Hà Nội theo quyết định số 4649/QĐ-UBND của UBND T.P Hà Nội. Làng bún Mạch Tràng có lịch sử hơn hai nghìn năm, gắn liền với câu chuyện về lễ sêu(lễ dạm hỏi) công chúa Mỵ Châu. Sản phẩm bún của làng Mạch Tràng là một trong số các món ăn dân dã trong cung đình xưa nên người dân vẫn thường gọi là “Bún tiến vua”.
Lịch sử ra đời làng nghề Bún Mạch Tràng
Thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội nằm trên mảnh đất lưu lại dấu ấn vàng son của lịch sử. Toàn thôn có trên 700 hộ dân đang sinh sống với trên 3.000 nhân khẩu.
Thời kỳ Vua An Dương Vương trị vì, chuyện kể rằng: “…Trong lúc chuẩn bị yến tiệc cho lễ dạm hỏi công chúa Mỵ Châu, người đầu bếp đã làm đổ bột gạo vào chiếc rổ đặt trong vạc nước sôi. Quá hốt hoảng, vội vàng nhấc chiếc rổ lên, anh chợt thấy bột gạo đã kết thành những dây dài mầu trắng. Tiếc của, vả lại không biết làm gì với những sợi bột trắng kia, sẵn có rau cần, anh bèn cho sợi gạo vào xào với rau cần, làm món ăn lót dạ… Khi thực đơn được bày lên, vua An Dương Vương lấy làm thích thú khi thấy trên bàn tiệc xuất hiện một món ăn lạ, có màu sắc trang nhã, thơm mùi thơm của hương đồng cỏ nội… Nhà vua hết lời khen ngợi. Món bún xào rau cần ngẫu nhiên trở thành món ăn đặc biệt trong thực đơn đãi khách của nhà vua…
Và cũng từ ngày ấy trở thành món ăn đặc sản của vùng Cổ Loa; được dâng cúng hằng năm vào dịp lễ hội đền Cổ Loa (ngày 6 tháng Giêng), hay ngày 13 tháng Tám (ngày ăn hỏi công chúa Mỵ Châu). Người làng Mạch Tràng tự hào vì nguồn gốc của sợi bún của làng mình gắn liền với truyền thuyết này.
Đặc điểm của Bún Mạch Tràng
Bún Mạch Tràng không làm trực tiếp từ bột sống mà qua quá trình ngâm ủ kỹ lưỡng; cũng nhờ ngâm ủ kỹ, bún Mạch Tràng có thể để được đến 2 hoặc 3 ngày trong khi các loại bún khác làm buổi chiều chỉ ăn được đến tối là có mùi. Bún Mạch Tràng không trắng ngần, sáng bóng như bún Phú Ðô, không có màu sắc bắt mắt như bún Song Thần mà có mầu trắng ngà, sợi bún lúc nào cũng dai mà không cần dùng bất cứ chất bảo quản nào.
Cách làm bún Mạch Tràng khác hẳn với các nghề làm bún khác ở Bắc Bộ. Người làng Mạch Tràng làm bún theo lối riêng của mình. Trước khi mang gạo đi xay thành bột, gạo đã được ủ từ hai đến bốn ngày, tùy vào điều kiện thời tiết. Trong khi thông thường người ta làm bún chỉ cần ngâm gạo qua đêm, rồi xay cùng với nước để tạo thành bột gạo ướt dẻo. Đó là bí quyết không phải làng làm bún nào cũng có được.
Thị trường tiêu thụ
Nội dung đang cập nhật!