Khác với các loại khác, bún Mạch Tràng do người dân thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội) có màu trắng ngà, có thể để được từ 2 – 3 ngày trong nhiệt độ thường không có vị chua.
Nghề làm bún tại Mạch Tràng đã có từ lâu đời, gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử như món bún này được dùng để tiến vua An Dương Vương và hằng năm, người dân vẫn dâng cúng vào dịp lễ hội đền (ngày 6 tháng Giêng), hay ngày 13 tháng Tám (ngày ăn hỏi công chúa Mỵ Châu)…
Xã hội thay đổi, không nhiều gia đình trong làng còn làm bún theo cách thủ công truyền thống. Hiện, hiện chỉ còn duy nhất một gia đình còn theo nghề như xưa là vợ chồng ông Nguyễn Văn Trung và bà Đặng Thị Vụ. Ông bà năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng đôi mắt vẫn còn tinh tường và đôi bàn tay nhanh, khéo. Ngày nào cũng như một thói quen, mỗi sớm ông bà vẫn tỉ mẩn chuẩn bị các công đoạn làm bún từ 3 giờ sáng cho kịp bán chợ sớm mai.
Nguyên liệu chính để làm bún Mạch Tràng thường chọn các loại gạo C71 và Khang dân bởi những loại gạo này thường có hàm lượng bột cao, cho ra nhiều sợi bún. Sự khác biệt căn bản trong cách thức làm bún của làng Mạch Tràng với những vùng quê khác là trước khi mang đi xay thành bột, gạo được vo sạch sẽ, khô ráo nước rồi cho vào thúng, đậy vải lên ủ trong khoảng từ hai đến bốn ngày, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Khi gạo hơi bở, đổi màu, tiến hành ngâm, như vậy bún làm ra mới không bị chua.